Theo nhìn nhận của một số sàn giao dịch địa phương, hướng khai thác địa ốc thương mại theo các dự án ven biển đã không còn cuốn hút họ nữa. Đó là lý do họ có những nhìn nhận hơi trái chiều với CBRE.
Du lịch tăng, bất động sản tăng ?
Cơ sở lý luận của CBRE là quý I/2014 ghi nhận sự sôi động hơn của mảng du lịch và khách sạn tại Đà Nẵng. Điều này gắn với hoạt động Tết nguyên đán nên dễ dàng thuyết phục được mọi người. Hơn nữa, trong thời gian tới, với ảnh hưởng của mùa du lịch biển, Đà Nẵng sẽ hứa hẹn tiếp tục thu hút nhiều du khách hơn, cũng là một nhận định “khó mà sai”.
Tuy nhiên, để cho rằng khi du lịch gia tăng, bất động sản du lịch Đà Nẵng cũng có cơ hội tăng, thì theo số cá nhân môi giới đất địa phương, lý luận này là khá khiên cưỡng.
Đại diện một sàn giao dịch ngay trung tâm Hùng Vương (Đà Nẵng) nhận xét, so với cách đây 3 năm, xu hướng tìm chọn sở hữu nhà đất Đà Nẵng đã khác nhiều. “Cơn sốt đất” những năm 2008 – 2009 đã đi qua, giờ đây giới kinh doanh đã có cái nhìn khác hơn về cơ hội nhà đất nơi đây. Họ không tin vào lý luận “mua 1 bán 10” nữa. Do đó, chuyện “mơ tưởng” các du khách đến Đà Nẵng để tìm mua cơ hội nhà đất bán lại hưởng lợi trở nên xa vời.
Nhiều cơ sở resort tại bờ biển Đà Nẵng đã hoạt động từ lâu nhưng vẫn chưa thu hút được nhiều du khách.
“Điều đó cho thấy rằng, nếu ai đó nghĩ rằng các chuyến bay đầy khách đến Đà Nẵng, các tour tuyến chật người tham gia… thì địa ốc bất động sản du lịch sẽ lên, là một điều không thật. Trái lại, chúng tôi thấy ngày càng có nhiều người sở hữu nhiều lô đất đẹp ven biển Sơn Trà, Nguyễn Tất Thành vào đây tìm người bán thì đúng hơn”. Anh T.Trung, một “chuyên gia” tư vấn bất động sản khu vực Hải Châu (Đà Nẵng) nói vậy.
Nhà đất ven biển có thật sa lầy ?
Câu hỏi này được nhiều người từng đặt ra trước đây và câu trả lời có được sẽ là “sự an ủi về một cơ hội tốt hơn sau này”. Nhưng giờ đây, nhiều người đã thẳng thắn đánh giá, nhà đất ven biển Đà Nẵng thật sự đang “sa lầy”.
Một doanh nhân đang sở hữu 2 lô đất ở khu vực biển Thanh Bình (Đà Nẵng) phàn nàn, ông đã cố gắng rao bán đất trong nhiều tháng qua, nhưng chẳng có được một phản hồi tích cực nào. Khu vực này nhìn ra vịnh Đà Nẵng, ngay vị trí gần cầu Thuận Phước, liền kề với dự án Khu đô thị Mặt trăng xanh Đa Phước, tòa nhà Blooming Tower…, vốn được đánh giá cao. Nhưng thực chất đây là khu vực nằm cuối vịnh Đà Nẵng, không khí không thanh sạch lắm, và nhất là mùa mưa bão, sóng gió nổi lên thường rất khó chịu.
Bờ vịnh Đà Nẵng càng bất lợi hơn khi dự án khu đô thị Đa Phước luôn chắn mọi tầm nhìn.
Đáng nói là dù sao, 2 lô đất của doanh nhân gốc Hà Nội trên vẫn khá thuận lợi về phương hướng, khi quay nhìn về… hướng tây. Nếu đi ngược vế phía bắc vịnh Đà Nẵng theo đường Nguyễn Tất Thành, người ta sẽ gặp rất nhiều khu vực khai thác quỹ đất có hướng tây bắc và bắc. Chính 2 hướng này đã làm nên hoàn cảnh ảm đạm cho thị trường nhà đất tại đây, vì đương nhiên ai cũng ngán ngẩm với cảnh “mưa dầm gió bấc” khi đông về.
Theo một số đơn vị môi giới, “bất lợi phong thủy” đã khiến tuyến đường giá trị chạy vòng quanh vịnh Đà Nẵng không còn được chú ý như trước nữa, và rất nhiều người “đã lỡ” mua nhà đất tại đây đang muốn từ bỏ cơ hội sở hữu “những căn nhà nhìn ra biển xanh” của mình.
Khu vực ven biển bán đảo Sơn Trà được đánh giá tốt hơn nhiều so với vịnh Đà Nẵng. Nhưng hiện tại, các nhà đầu tư cũng đang băn khoăn về số phận các dự án nhà đất ở đây. Nhất là các khu vực đất nằm sát hay thuộc các dự án khu nghỉ dưỡng ven tuyến đường Võ Nguyên Giáp, vốn được đánh giá cao về mùa hè song sẽ là nỗi ám ảnh vào mùa đông. “Mọi người nghĩ sao về một căn nhà bên bờ biển, mùa đông không nên mở cửa vì hơi muối và mưa dầm, quanh năm đi lại khá xa mới có thể mua được những vật phẩm thiết yếu của cuộc sống. Việc mua 1 gói mì tôm ở các khu resort 5 sao ở đây sẽ là một ý nghĩ điên rồ”. Một chuyên viên môi giới địa ốc từng làm việc ở khu resort Crow Plaza bày tỏ như vậy.
Các dự án nghỉ dưỡng ven biển Đà Nẵng thực sự đang... sa lầy ?
Theo nhìn nhận của chính một lãnh đạo ở phòng Tài nguyên Môi trường quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng), bất lợi của các dự án ven biển Sơn Trà là chưa hoàn bị về hạ tầng dân sinh xung quanh, chưa tạo được cơ sở thiết yếu giúp các cư dân và du khách nối kết lại với nhau. Những dịch vụ xã hội tại đây còn rất hạn chế, như y tế, giáo dục, thương mại… và người dân chủ yếu sẽ phải di chuyển nhiều cây số về phía trung tâm Đà Nẵng mới mong có được những lựa chọn tốt hơn. Liệu du khách và các cư dân mới có chấp nhận ?