Trong năm 2013, 472 dự án với tổng vốn đăng ký 8,742 tỷ USD vốn FDI đổ vào các KCN và 37 dự án - với tổng vốn đăng ký đạt 2,347 tỷ USD đổ vào các khu kinh tế là số liệu của các
dự án đầu tư mới.
Đến nay, cả nước có 289 KCN, với tổng diện tích đất tự nhiên 81.000 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt hơn 52.800 ha.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy: vốn đầu tư tăng thêm vào các khu công nghiệp trong năm 2013 lên tới 2,533 tỷ USD và các khu kinh tế là 7,148 tỷ USD. Đây thực sự là những con số ấn tượng đối với Việt Nam trong tình hình kinh tế hiện nay.
Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Tập đoàn Triple Eye Infrastructure (Canada) đã được cấp chứng nhận đầu tư để xây dựng một bệnh viện đẳng cấp quốc tế tại tỉnh Hải Dương. Theo kế hoạch, Triple Eye sẽ đầu tư một bệnh viện hiện đại quy mô 200 giường bệnh tại Khu công nghiệp Đại An (Hải Dương). Dự án có tổng vốn đầu tư đăng ký 225 triệu USD.
Với dự án này và 69 dự án khác, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu công nghiệp, khu kinh tế Việt Nam trong 3 tháng đầu năm đã đạt trên 800 triệu USD.
Như vậy, lũy kế đến cuối quý I/2014, các khu công nghiệp, khu kinh tế trong cả nước đã thu hút được 5.300 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 112 tỷ USD, chiếm khoảng 50% trong tổng số 236 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam trong hơn 25 năm qua. Điều này cho thấy ưu thế của các khu công nghiệp, khu kinh tế trong thu hút đầu tư, đặc biệt là FDI.
Tính chung trong năm 2013, tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp, khu kinh tế cả nước đạt 19,942 tỷ USD, chiếm 50% tổng số lượt dự án và chiếm hơn 92% tổng vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh tăng thêm của cả nước, tăng 2,47 lần so với cùng kỳ năm 2012.
Năm 2013, là một năm nền kinh tế vẫn chưa thực sự có dấu hiệu khả quan, tuy nhiên các khu công nghiệp, khu kinh tế vẫn thực sự thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại, như các dự án của Tập đoàn Samsung tại Thái Nguyên (hơn 3,2 tỷ USD), dự án Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn - Thanh Hóa (điều chỉnh tăng vốn đầu tư 2,8 tỷ USD); dự án Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam - Hải Phòng (1,5 tỷ USD)...
Sang năm 2014, chính các dự án này lại tiếp tục trở thành “thỏi nam châm” thu hút đầu tư của các nhà đầu tư vệ tinh. Không chỉ là các dự án đầu tư quy mô nhỏ, theo đánh giá của Vụ Quản lý Khu kinh tế, với những kết quả khả quan trong 3 tháng đầu năm và tình hình thực tế nhiều dự án đầu tư đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế , dự kiến trong thời gian còn lại của năm 2014, việc thu hút đầu tư và sản xuất - kinh doanh trong khu công nghiệp, khu kinh tế sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Việc các nhà đầu tư nước ngoài không ngừng quan tâm đến việc đầu tư hạ tầng các KCN được cho là xuất phát từ việc Việt Nam hiện vẫn là một điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Đặc biệt, trong xu hướng dịch chuyển đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam sẽ là một trong những lựa chọn đầu tiên. Và thông thường, các nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam, sẽ chọn các KCN làm địa điểm xây dựng nhà máy.
Số liệu được Vụ Quản lý Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, các dự án FDI được cấp mới vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trong quý I/2014 tập trung chủ yếu vào lĩnh vực điện tử viễn thông và những ngành phụ trợ đi kèm, như sản xuất tai nghe và các linh kiện, phụ kiện dùng trong tai nghe, pin, cáp dữ liệu, sạc cho điện thoại di động...
Các KCN hiện nay đều xác định đây là nơi hội tụ những điều kiện hạ tầng tốt cho phát triển công nghiệp chứ không đơn thuần chỉ là nơi cung cấp địa điểm cho các doanh nghiệp (DN) hoạt động. Gắn liền với các KCN còn là một loạt yếu tố thể chế (như luật pháp, cơ chế quản lý và các chính sách hỗ trợ của chính phủ) và các hoạt động dịch vụ (an ninh, đào tạo, hải quan).
Bên cạnh đó nhằm tạo điều kiện cho các DN hoạt động trong lĩnh vực này, ông Trần Duy Đông, Phó vụ trưởng, Phụ trách Vụ Quản lý Khu kinh tế nhấn mạnh: “Cần có biện pháp nới lỏng tín dụng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế tiếp cận các nguồn vốn đầu tư, do đây là đối tượng kinh doanh bất động sản phục vụ trực tiếp cho sản xuất”.
Hiện nay, các KCN đã thu hút được 8.500 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký khoảng 70 tỉ USD, trong đó vốn đầu tư nước ngoài hơn 52 tỉ (chiếm 30% FDI cả nước), còn lại là vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước. Nếu tính về giá trị sản xuất công nghiệp, các KCN hiện nay đã đóng góp hơn 30% giá trị công nghiệp của cả nước đã tạo việc làm cho khoảng 2 triệu lao động trực tiếp và hàng vạn lao động gián tiếp.
Ngoài ra, các KCN phát triển đã kéo theo sự đầu tư về cơ sở hạ tầng (điện, đường, nước...). Những kết quả này cho thấy vai trò quan trọng của KCN góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ðó là thúc đẩy sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu; thu hút vốn đầu tư; nộp ngân sách Nhà nước; tạo công ăn việc làm cho người lao động; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; nâng trình độ công nghệ sản xuất; tạo sản phẩm có sức cạnh tranh, v.v. Như vậy, các KCN thật sự là một động lực mạnh mẽ của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
>>>
Thị trường BĐS Nha Trang đang có sự cạnh tranh gay gắt
>>>
Các dự án nhà đất
>>>
Tổng hợp Dự án bất động sản nổi bật tuần 1 tháng 7